Lượt xem: 799

Nhiều kỳ vọng ở vụ lúa Hè Thu năm 2021

Trước những diễn biến khó có thể lường trước của biến đổi khí hậu, bên cạnh “ứng phó” bằng giải pháp công trình từ nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh, nông dân Sóc Trăng đã tự trang bị cho mình những giải pháp phi công trình mang tính “thích ứng” hiệu quả hơn, trong đó có việc bố trí lại cơ cấu mùa vụ. Như ngay trong vụ lúa Hè Thu năm nay, dù tiến độ xuống giống thời điểm đầu tháng 5 (dương lịch) diễn ra khá chậm; nhưng tính đến cuối tháng, diện tích xuống giống trên toàn tỉnh đã tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Nông dân Sóc Trăng đang đặt rất nhiều kỳ vọng trong vụ Hè Thu năm nay bởi sự thuận lợi từ nhiều mặt.

    Còn nhớ trong vụ Hè Thu của năm 2020, Mỹ Xuyên là một trong những địa phương có diện tích lúa đổ ngã khá cao khi trà lúa Hè Thu trổ chín vào đúng giai đoạn mưa bão liên tục. Sự thất thoát về năng suất và giá bán đã giúp bà con chủ động hơn trong việc chuyển đổi từ cơ cấu mùa vụ cho đến giống lúa. Nếu như vào thời điểm này của năm trước, toàn huyện chỉ đạt diện tích xuống giống khoảng 100 hecta; thì nay, con số này đã tăng lên 3.000 hecta, hiện trà lúa đang trong giai đoạn từ mạ đến đẻ nhánh. Bên cạnh xuống giống sớm từ 20 đến 25 ngày, nông dân còn ưu tiên canh tác những giống lúa cứng cây để hạn chế tối đa rủi ro thiệt hại trong giai đoạn mưa bão như: Đài Thơm 8, OM18 hay OM5451. Anh Nguyễn Văn Tuấn, nông dân ở ấp Châu Thành, thị trấn Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Xuyên cho biết: “Vụ Hè Thu năm rồi ruộng nhà tôi thiệt hại cũng hơn phân nửa diện tích, lúa thu hoạch ngay lúc mưa liên tục nhiều ngày nên bị ngập sâu trong nước làm thất thoát năng suất. Năm nay rút kinh nghiệm nên gieo sạ sớm hơn. Tôi cũng thay đổi giống lúa, chọn canh tác giống Đài Thơm 8 vì nó vừa ít đổ ngã mà giá bán cũng cao”.


Ngành chuyên môn kiểm tra tiến độ xuống giống tại huyện Mỹ Xuyên

 

    Riêng ở địa phương thuộc vùng cuối nguồn của hệ thống kênh thủy lợi khép kín Long Phú - Tiếp Nhựt như huyện Trần Đề, thay vì phụ thuộc vào nguồn “nước trời” như những năm trước; thì nay, khi lượng nước trong kênh rạch ở ngưỡng cho phép, nông dân đã khẩn trương bơm nước vào ruộng, tiến hành các khâu chuẩn bị gieo sạ sớm vụ Hè Thu năm nay. Một bước chuyển biến khá rõ về ý thức sản xuất của nông dân Trần Đề trong canh tác lúa đã được minh chứng rõ khi diện tích xuống giống Hè Thu đã đạt gần 11.000 hecta (trong khi thời điểm này của năm ngoái vẫn chưa đủ điều kiện gieo sạ). Chủ động xuống giống sớm được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu trước tác động cực đoan của biến đổi khí hậu; khi vừa hạn chế vấn đề đổ ngã trên trà lúa sẽ được thu hoạch trong điều kiện mưa bão; vừa là cơ sở xuống giống sớm vụ lúa Đông Xuân tới để “né hạn, tránh mặn” vào cuối vụ. Anh Kim Bươl ở ấp Đại Nôn, xã Liêu Tú chia sẻ: “Ở đây mùa khô hay bị xâm nhập mặn nên mấy năm trước toàn chờ mưa xuống mới có nước làm đất sạ lúa; năm nay nhờ địa phương làm tốt công tác thủy lợi, ngăn mặn trữ ngọt tốt nên khi có nguồn nước ngọt là hầu hết nông dân ở đây đều lấy nước vô ruộng liền, làm đất đến đâu là bà con xuống giống đến đó để lúa không bị thiệt hại do mưa bão cuối vụ, rồi mình xuống giống vụ Đông Xuân sẽ được sớm hơn để không bị mặn tấn công”.

    Tính đến nay, toàn tỉnh Sóc Trăng đã xuống giống được 103.162 hecta lúa Hè Thu năm 2021, đạt 73,2% kế hoạch và tăng 44,5% so với cùng kỳ. Cùng với sự thống nhất giữa ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn và bà con nông dân trong việc bố trí khung lịch thời vụ phù hợp ở từng địa phương khác nhau, nếu áp dụng tốt các giải pháp theo đúng khuyến cáo của ngành chuyên môn; nông dân Sóc Trăng có nhiều kỳ vọng sẽ đạt thắng lợi trong vụ lúa Hè Thu năm nay. Đồng chí Nguyễn Thành Phước - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng khuyến cáo: “Với tiến độ gieo sạ như hiện nay thì vào khoảng tháng 7 hoặc tháng 8 lúa sẽ bắt đầu trổ chín và cho thu hoạch, đây cũng là giai đoạn nông dân gặp nhiều bất lợi khi mưa bắt đầu xuất hiện nhiều hơn. Do vậy, để hạn chế lúa bị đổ ngã; bà con cần tuân thủ tốt các giải pháp kỹ thuật như 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm. Đặc biệt cần lưu ý siết nước giữa vụ để cây lúa hấp thu tốt chất dinh dưỡng và dễ ăn sâu vào đất nhằm tạo được bộ rễ cứng cáp, giúp cây lúa khỏe hơn. Bà con không nên bón phân cho lúa vào giai đoạn nuôi đòng hoặc dứt hạt vì trà lúa trong vụ Hè Thu cần được giữ cho lá xanh và óng vàng để có khả năng chống chịu mưa bão tốt hơn...” .

    Gạo Việt Nam đang có nhiều cơ hội thâm nhập sâu rộng vào các thị trường khác nhau, bà con nông dân sẽ là người hưởng lợi trực tiếp; nhưng không phải về sản lượng mà còn phụ thuộc nhiều vào chất lượng gạo thông qua hàm lượng phân, thuốc bảo vệ thực vật tồn dư... Áp dụng kỹ thuật canh tác bài bản, ưu tiên chọn giống chất lượng cao, từng bước chuyển đổi sang sản xuất lúa theo hướng hữu cơ cũng là những giải pháp canh tác mang tính bền vững mà ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh khuyến cáo bà con cần lưu ý thực hiện để không chỉ đạt sản lượng như mong muốn mà chất lượng lúa gạo tại tỉnh Sóc Trăng cũng sẽ từng bước được cải thiện hơn.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 67
  • Hôm nay: 7659
  • Trong tuần: 78,366
  • Tất cả: 11,801,686